Thành công của việc thí điểm Dự án Xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh trên tuyến quốc lộ 1A trong hai tháng qua đã mở đường cho các camera làm thay công việc của cảnh sát.
Theo trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C26) đã phối hợp với tập đoàn Hải Châu lắp đặt các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến Hà Nội – Ninh Bình, quốc lộ 1A.
Theo đó, một hệ thống camera quan sát toàn cảnh được lắp đặt tại các điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông từ Pháp Vân, Hà Nội đến Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Thông số về thời gian, địa điểm, tốc độ thậm chí tốc độ gió đều được hiển thị rõ ràng. Hình ảnh do cảnh sát giao thông cung cấp. |
Một hệ thống camera khác được lắp đặt linh hoạt, nhằm ghi nhận hình ảnh các phương tiện đi không đúng phần đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Bên cạnh đó, C26 còn lắp đặt máy đo tốc độ Multaradar và máy đo tốc độ lazer trên xe ô tô di động để ghi nhận hình ảnh các phương tiện chạy quá tốc độ; lắp đặt cân tải trọng, tự động cân tải trọng phương tiện khi đi qua các làn xe của trạm thu phí để phát hiện phương tiện chở quá tải.
Đặc biệt, một hệ thống camera nhận dạng biển kiểm soát phương tiện được lắp đặt tại các làn xe của trạm thu phí để tích hợp với hệ thống dữ liệu của xe vi phạm. Khi phương tiện vi phạm qua trạm thu phí, hệ thống camera này sẽ nhận dạng và ra lệnh cho các thiết bị báo động (còi, đèn) để cảnh sát giáo thông biết để tiến hành xử lý.
Ngoài việc xử lý trực tiếp, lực lượng chức năng đã thí điểm việc xử lý vi phạm qua hình ảnh ghi nhận của các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông báo cho người vi phạm đến cơ quan cảnh sát giao thông để xử lý. Có 42 trong số 93 trường hợp người vi phạm đã đến Cục C26 xem hình ảnh, công nhận hành vi vi phạm, ký biên bản vi phạm hành chính và nộp phạt số tiền gần 25 triệu đồng.
Không vi phạm nào có thể qua mắt. Hình ảnh do cảnh sát giao thông cung cấp. |
Qua gần hai tháng thử nghiệm hệ thống này trong các điều kiện thời tiết, thời gian khác nhau, kể cả ban đêm, khi trời mưa, sương mù, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, lập biên bản trên 1.700 trường hợp vi phạm (trong đó có 898 trường hợp vi phạm tốc độ, 705 trường hợp đi không đúng làn đường); xử lý tước giấy phép lái xe 66 trường hợp, tạm giữ 12 phương tiện, phạt tiền trên 788 triệu đồng.
“Việc thí điểm trên đã giúp giảm bớt lực lượng cảnh sát giao thông có mặt trên đường, góp phần làm giảm tai nạn giao thông cả số vụ, số người chết và bị thương. Không có tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông xảy ra”, Thứ trưởng Trần Đại Quang đánh giá.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, tác dụng lớn nhất của việc giám sát giao thông bằng hình ảnh là nâng cao được ý thức của người tham gia giao thông, vấn đề lớn nhất trong bài toán đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay, tránh được tình trạng người tham gia giao thông có tâm lý đối phó.
“Việc nhân rộng mô hình này phải thực hiện càng sớm càng tốt. Trước mắt, sẽ thực hiện trên các tuyến quốc lộ có lưu lượng phương tiện đông và bức xúc về tai nạn, ùn tắc giao thông như quốc lộ 1A (đoạn Bình Thuận – Ninh Thuận, Hà Nội – Lạng Sơn, quốc lộ 51”, Phó thủ tướng nói.
Camera sẽ được lắp đặt trên toàn tuyến quốc lộ 1A. Để tháo gỡ những khó khăn có thể gặp phải khi nhân rộng mô hình trên, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cần xây dựng cơ chế xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế để mở rộng thực hiện giám sát giao thông qua hình ảnh.